Cây Đào cùng với cây Mai là hai loài cây đã in sâu trong tiềm thức của người Việt trong mỗi dịp tết đến xuân về. Nếu Đào là cây hoa cảnh của miền Bắc thì Mai vàng là cây đặc trưng của mùa xuân phương Nam. Để cây mai được sinh trưởng trong môi trường tốt nhất và nở hoa rộ và sặc sỡ đúng dịp tết Nguyên đán, hãy cùng tìm hiểuvề ý nghĩa hoa mai vàng ngày tết và những kỹ thuật được chia sẻ trong bài viết sau đây.
I. Giới thiệu về cây Cây Hoa Mai Vàng
Tên thường gọi: Cây Hoa Mai Vàng
Tên gọi khác: Cây huỳnh mai, hoàng mai, lão mai
Tên khoa học: Ochna integerrima
Tên tiếng anh: Apricot blossom
Họ thực vật: Cây thuộc họ Mai (Ochnaceae)
Tuổi thọ: Có thể sống trên một trăm năm
Nơi sống: Ngoài tự nhiên cây mai vàng thường mọc ở các cánh rừng thưa nhiệt đới châu Á hoặc cận nhiệt đới châu Phi và châu Mỹ
Phân bố: Ở Việt nam, cây mai vàng mọc tự nhiên khá nhiều và được nhân giống chủ yếu từ các tỉnh miền Trung trở vào đến miền Nam
Màu sắc của hoa: Màu hoa chủ đạo của cây mai là màu vàng sặc sỡ
Thời gian nở hoa: Mai vàng thường nở hoa từ cuối mùa đông đến hết mùa xuân
Xem thêm Hướng dẫn cách chọn giống mai vàng chuẩn nhất từ các chuyên gia
Ở Việt nam, cây mai vàng mọc tự nhiên khá nhiều và được nhân giống chủ yếu từ các tỉnh miền Trung trở vào đến miền Nam
II. Đặc điểm của cây Hoa Mai Vàng
Hình dáng bên ngoài: Cây mai vàng là cây thân gỗ nhỡ, nhìn bề ngoài rất giống cây mơ và cây mận ở miền Bắc. Vỏ cây mai thường sần sùi, thô ráp mang màu nâu hoặc đôi khi trên vỏ có những đốm trắng, cành và tán lá khá dày.
Kích thước: Cây mai ngoài tự nhiên có thể cao khoảng 5 – 7m, đối với cây mai vàng trồng làm cảnh có kích thước từ 1 – 2m.
Lá: Lá cây mai vàng là dạng lá đơn, mọc so le, có hình mũi mác dài và nhọn ở chóp lá. Hai mặt lá đều thô ráp màu xanh, mặt dưới hơi ngả vàng, lá thường rụng ồ ạt vào mùa khô từ tháng 9 – 11 là rụng hết. Cây bắt đầu ủ nụ chuẩn bị ra hoa, lá chỉ mọc lại khi toàn bộ các lớp nụ hoa đã bung nở hết.
Hoa: Hoa mai vàng là hoa lưỡng tính mọc thành chùm, mỗi chùm có từ 3 bông hoa . Trở lên. Có rất nhiều giống cây mai nên số lượng cánh hoa và chu kỳ nở cũng khác nhau, chủ yếu mai vàng 5 cánh vẫn là loài phổ biến nhất. Hoa nở ra từ các kẽ lá suốt từ gốc đến ngọn cây và các cành nhánh nhỏ trong khoảng 3 ngày mới tàn, sau đó lại có lớp nụ khác lại bung nở cứ thế đến hết mùa xuân.
Quả: Sau khi hoa tàn, hoa nào có bầu noãn phình to lên đấy chính là quả bên trong có chứa hạt nhỏ. Quả có màu xanh khi non và đổi màu đen khi già chín, khi quả rụng xuống đất đúng theo quy luật tự nhiên đến mùa xuân hạt sẽ tự nảy mầm và sinh trưởng thành cây mai vàng tự nhiên.
Xem thêm cách bón phân cho mai vàng sau tết để cây chắc khỏe, mau phục hồi
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Hoa Mai Vàng
1. Ý nghĩa
Sắc vàng sặc sỡ của hoa mai mang đến sự khởi đầu cho năm mới thịnh vượng, bình an, may mắn và sum họp, đoàn viên. Không chỉ riêng cái tết ở tại quê hương mà tết đối với những người con xa xứ lại gợi lên nỗi nhớ quê nhà. Do đó, mỗi khi mai vàng nở cảm thấy trong lòng được an ủi, vỗ về giống như đang được sum họp bên gia đình vậy.
Bên cạnh đó, hoa mai còn mang ý nghĩa xua đuổi những điềm dữ, những tai ương xấu, mang lại sự bình an, phát tài, phát lộc cho gia chủ.
2. Tác dụng
Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây hoa mai vàng được coi là báu vật trong ngày tết cổ truyền nên rất được nâng niu, chăm sóc tỉ mỉ. Cây có thể trồng trong chậu đặt tại các vị vị trí rất trang trọng trong nhà như: Cạnh bàn thờ, phòng khách hoặc đặt ngay hiên nhà cùng với các túi lì xì hoặc chiếc bóng bay treo. Không chỉ để ngắm hoa mà còn tạo mỹ quan cho ngôi nhà thêm xanh – sạch – đẹp và tạo không khí xuân thêm rộn ràng.
Tác dụng chữa bệnh
Theo kinh nghiệm dân gian, cây mai vàng có vị đắng, chát, tính mát, không độc thường dùng các bộ phận là vỏ, rễ và lá để chữa bệnh.
Lá mai vàng dùng để đun nước tắm khi bị ngứa ghẻ lở ngoài da ở cả trẻ em và người lớn.
Vỏ cây mai vàng sấy khô ngâm rượu uống có tác dụng rất tốt cho tiêu hóa.
Rễ cây mai vàng cũng được người dân ở một số địa phương dùng làm thuốc tẩy giun sán.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Mai Vàng
1. Cách trồng cây
Phương pháp nhân giống
Cây mai vàng được nhân giống bằng khá nhiều phương pháp: Gieo hạt, ghép cành và chiết cành. Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng của nó, cho nên thường chọn cách ghép cành là có ít nhược điểm nhất mà lại có giống cây con khỏe mạnh mang đặc tính giống cây mẹ.
Đất trồng
Tùy vào từng phương pháp nhân giống cây mai vàng mà có cách làm đất khác nhau. Đối với cách gieo hạt thì cày bừa nhỏ tơi đất rồi lên luống để gieo. Đối với cách chiết cành cũng cần dùng đất đỏ phải sạch hoàn toàn không bị nhiễm thuốc trừ sâu và thuốc cỏ rồi trộn với nước, nặn thành nắm đất tròn để bọc cành.
Cây mai vàng thường ưa sáng và chịu khô hạn tốt nên việc chọn đất trồng cây cũng khá dễ dàng. Nếu không có điều kiện đất ẩm, giàu mùn màu mỡ có thể dùng đất khô cằn nghèo dinh dưỡng chỉ cần chăm sóc đúng cách thì cây mai vẫn sinh trưởng tốt.
Chuẩn bị sẵn đất + phân chuồng hoai mục (phân trâu hoặc phân bò) + xơ dừa mục hoặc trấu mục để tạo độ tơi xốp cho đất. Trộn hỗn hợp này với nhau rồi hong khô khoảng một tháng rồi mới cho vào chậu trồng cây mai vàng.
Nếu trồng cây mai ngoài vùng đất ẩm thấp, gần mạch nước ngầm cần khơi rãnh thoát nước tránh ngập úng thường xuyên, đào mô đất cao khoảng 30cm trồng cây x cây là 2 – 3m, hàng x hàng là 4 – 5m.
2. Cách chăm sóc cây
Sau khi trồng cần tưới nước luôn cho cây mai vàng tránh héo rũ, vào ngày nắng nóng hoặc mùa khô hanh cần tưới nước thường xuyên mỗi ngày ít nhất một lần vào buổi sáng hoặc chiều mát. Có thể dùng nước sạch hoặc nước vo gạo để tưới rất tốt cho cây .
Nếu trồng với quy mô nhiều trong nhà lưới có thể làm hệ thống tưới, phun sương tự động mà không cần nhiều nhân công chăm sóc.
Đối với cây mai kiểng Bonsai trồng trong chậu thường khó chăm sóc hơn, đất khô nên cần chú ý tưới ít nhất hai lần mỗi ngày. Nhặt, tỉa bỏ lá khô rụng, dùng sắt uốn cành tạo dáng sao cho hợp lý và đẹp mắt. Ngoài các loại phân bón dạng nước, hạt chậm tan có thể bón thêm cho cây mai kiểng bằng bột đậu tương nghiền nhỏ, rắc ít một xung quanh gốc cây mà không sợ bị ngộ độc.
Thường xuyên cào xới cỏ, vun gốc cho cây mai vàng, nhổ sạch cỏ dại mới bón phân để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.
Phân bón: Có thể dùng các loại phân cao cấp như NPK Đầu Trâu 15 – 15 – 15 hoặc 20 – 20 – 20. Ngoài ra, có thể bón thêm phân vi sinh để cải tạo đất. Có thể bón vào các ngày mưa, nếu không mưa cần tưới ướt đất rồi mới bón phân sau đó tưới lại nước giúp cây hấp thụ được hết lượng phân bón.
Để cây mai vàng sinh trưởng tốt nhất và kéo dài tuổi thọ, mỗi năm nên bón khoảng 3 lần phân NPK, 1 lần phân chuồng và một lần phân vi sinh cho cây, nếu muốn kích thích cho hoa nở nhiều, màu đẹp thì có thể dùng các loại phân dạng nước như Siêu hoa, Siêu lân.. Để cây phân hóa nhiều mầm hoa, hoa to, nở đồng loạt.
Thường xuyên đào gốc rễ cây mai vàng lên xem có bị thối rễ, thối cổ rễ, chảy mủ thân hay không, nếu cây có hiện tượng vàng lá, moi gốc thấy mủn vỏ gốc cây cần phải dùng thuốc Ridomil Gold pha nước sền sệt bội vào chỗ thối ngay tránh lây lan rộng.
Ngoài ra, khi hoa mai vàng nở cũng có một số loài bọ nhảy, bọ trĩ hại hoa và rệp xanh hại chồi, lá non. Cần phun thuốc Reangant 3.6 đối với vườn cây quy mô rộng.
Hết tháng 11 âm lịch mà lá mai vàng chưa rụng hết có thể vặt trụi lá để cây tích trữ dinh dưỡng cho vụ hoa sắp tới.
Vào khoảng giữa tháng 12 âm lịch mà cây mai vàng vẫn chưa có mắt hoa, do thời tiết lạnh làm cây chậm ra hoa, lúc này cần tưới nước ấm và tưới thuốc kích thích để thúc cây ra nụ. Nếu thời tiết ấm làm cây bung nở sớm cần hãm nụ bằng cách tưới nước lạnh vừa phải mỗi ngày hai lần làm nụ chậm sinh trưởng.
Để chăm sóc được một chậu mai kiểng đẹp ra hoa đúng dịp để chưng tết cũng không phải là việc dễ dàng và mất rất nhiều công sức. Tuy vậy, giá thành mai vàng kiểng vẫn rất hợp lý và thu hút được đông đảo lượng khách mua, bởi đây là loại cây có ý nghĩa phong thủy tốt và là cây đã gắn liền với phong tục tết cổ truyền từ cổ chí kim ở nước ta.